Blog Thừa phát lại - Công an xã là một trong những lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ và trong một số trường hợp họ được dừng xe để kiểm tra và lập biên bản về hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về phạm vi thẩm quyền
Công an xã là một trong những lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ và trong một số trường hợp họ được dừng xe để kiểm tra và lập biên bản về hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về phạm vi thẩm quyền này của công an xã trong vai trò là 1 lực lượng hỗ trợ Công an giao thông và Thanh tra giao thông. Chính vì vậy, Hoài viết bài này mục đích để mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này. Công an xã ở đây được hiểu là lực lượng công an bán chuyên trách (không chính quy).
1. Về thủ tục điều động, căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Nghị định 27/2010/NĐ-CP thì khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì Công an xã phải thực hiện theo KẾ HOẠCH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Về các tuyến đường và các hành vi vi phạm được quyền xử phạt, căn cứ vào khoản 4 Điều 7 Thông tư số 47/2011/TT-BCA thì:
- Lực lượng Công an xã chỉ được quyền tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý. NGHIÊM CẤM VIỆC CÔNG AN XÃ DỪNG XE, KIỂM SOÁT TRÊN CÁC TUYẾN QUỐC LỘ, TỈNH LỘ
- Lực lượng công an xã chỉ được quyền xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông như sau:
+ Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm,
+ Chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh;
+ Đỗ xe ở lòng đường trái quy định;
+ Điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả,
+ Không có gương chiếu hậu
+ Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật
+ Các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông
3. Về mức xử phạt, căn cứ vào Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của Uỷ ban Thường Vụ Quốc Hội số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02/04/2008 thì:
- Công an viên được quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 200.000 đồng (từ 01/07/2013 mức phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 500.000 đồng - Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
- Trưởng công an xã được quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng (từ 01/07/2013 mức phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng - Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (từ 01/07/2013 được quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này - Luật xử lý vi phạm hành chính 2012);
4. Về thủ tục xử phạt, theo quy định thì thủ tục xử phạt trong lĩnh vực vi phạm hành chính nói chung bao gồm thủ tục đơn giản (xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản) và thủ tục đầy đủ. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến thủ tục đơn giản bởi thủ tục này ít người biết và dễ nảy sinh tiêu cực
- Căn cứ Khoản 21 Điều 1 vào Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của Uỷ ban Thường Vụ Quốc Hội số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02/04/2008 thì trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định xử phạt tại chỗ. Việc xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Từ ngày 01/07/2013 hình thức phạt tiền mà công an xã không phải lập biên bản vi phạm là 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
Đức Hoài