Tránh lập di chúc chung của vợ chồng

  20/3/13
Blog Thừa phát lại - Nếu di chúc chung đó không hợp pháp mà những người thừa kế không biết để khởi kiện kịp thời thì đến khi người lập di chúc sau cùng chết, thời hiệu khởi kiện không còn thì quyền lợi của người thừa kế coi như bị bỏ lửng…
BLDS cho phép vợ chồng được lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất kỳ lúc nào nếu được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Hiện nay, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng lập di chúc chung nhằm bảo toàn tài sản để lại cho con cháu nhưng thực tiễn đã nảy sinh khá nhiều vướng mắc pháp lý.
Không thể định đoạt tài sản của mình
Theo nhiều chuyên gia, vướng mắc lớn nhất là việc khi vợ hoặc chồng chết trước thì người còn lại cũng như người thừa kế theo di chúc không thể định đoạt di sản như bán, thế chấp… Có việc này bởi di chúc chung của vợ chồng chủ yếu định đoạt nhà, đất. Nhà, đất là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, chưa phân định phần nào là sở hữu của mỗi người nên khi một người chết trước thì không thể công chứng việc mua bán phần tài sản thuộc sở hữu của người còn sống được. Mặt khác, theo luật di chúc chung chỉ có hiệu lực sau khi cả vợ chồng cùng chết hoặc người sau cùng chết. Do vậy, khi một trong hai người vẫn còn sống thì chưa thể làm thủ tục khai nhận thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản.
Chẳng hạn trường hợp của ông VTH ở TP Tân An (Long An). Thương người con gái độc thân, vợ chồng ông lập di chúc để lại căn nhà đang ở cho chị. Năm 2006, vợ ông H. bệnh nặng qua đời. Hai năm sau, ông H. bị tai biến, nằm liệt tại chỗ. Việc chữa trị, chăm sóc ông rất tốn kém trong khi chỉ một tay người con gái bươn chải. Nợ nần chồng chất, ông H. và con bàn nhau bán nhà trả nợ, còn lại mua một căn nhà nhỏ để cha con sống và có dư một ít tiền làm vốn cho người con mua bán sinh nhai.

Sau đó, người con đem hồ sơ nhà đất và tờ di chúc ra phòng công chứng khai nhận di sản thì bị từ chối. Theo phòng công chứng, đây là di chúc chung của vợ chồng nên khi ông H. còn sống thì di chúc chưa có hiệu lực. Ông H. muốn thay đổi nội dung di chúc nhằm có thể tự bán phần một nửa căn nhà của ông nên nhờ cậy một luật sư tư vấn miễn phí. Tuy nhiên, luật sư cho biết một nửa căn nhà của ông gắn liền với phần tài sản của người vợ đã mất, mặt khác theo luật, khi sửa đổi di chúc chung của vợ chồng thì không được làm thay đổi bản chất nội dung của di chúc. Nghĩa là dù ông H. có định đoạt lại nửa căn nhà phần ông thế nào thì cũng không thể thay đổi, hủy bỏ việc cho người con gái căn nhà đó được.
Bán nhà không được, thế chấp vay tiền ngân hàng cũng không xong, cha con ông H. đành ngậm ngùi chấp nhận hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, túng quẫn từng ngày.
Một vụ khác là trường hợp ông TVT ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), vốn có nhà bạc tỉ nhưng cuối đời phải sống trong cảnh khổ. Vợ chồng ông lập di chúc chung để lại căn nhà duy nhất trị giá khoảng 2 tỉ đồng cho hai con. Sau khi vợ mất, hai con bỏ rơi ông, không đứa nào chăm sóc vì chê cha khó tính, hay bẳn gắt. Ông tuổi già sức yếu (hơn 90 tuổi), muốn bán căn nhà của mình để có tiền trang trải tuổi già nhưng không được. Ông khởi kiện yêu cầu tòa hủy bỏ di chúc cũng bị tòa từ chối.
Ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện thừa kế
Ngoài vướng mắc trên, theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, quy định hiện hành về di chúc chung của vợ chồng còn nhiều bất cập khác. Bởi lẽ thời điểm phát sinh hiệu lực pháp luật của di chúc chung vợ chồng không đơn giản chỉ là căn cứ để phân chia di sản theo di chúc chung mà còn ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện, quyền thừa kế cũng như việc định giá di sản của người chết...
Vị thẩm phán này phân tích: Thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy hết 10 năm mà một trong hai người lập di chúc vẫn còn sống thì thời hiệu khởi kiện xin chia thừa kế đối với phần di sản của người chết trước cũng không còn. Giả sử nếu di chúc chung đó không hợp pháp mà những người thừa kế không biết để khởi kiện kịp thời thì đến khi người lập di chúc sau cùng chết, thời hiệu khởi kiện không còn thì quyền lợi của người thừa kế coi như bị bỏ lửng…
Ngoài ra, quy định về hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng sẽ dẫn đến tình trạng khó phân chia di sản. Nếu người còn lại sống thọ quá lâu, tài sản chung có thể không còn nguyên vẹn hay tăng, giảm giá trị thì việc xác định giá trị tài sản chung hết sức phức tạp, tạo ra nhiều tranh chấp khác khó giải quyết…
Theo Báo Pháp luật
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết