Chung sống trước ngày 3-1-1987 là hôn nhân thực tế?

  23/6/13
Blog Thừa phát lại - Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, hiện nhiều thẩm phán đang có cách hiểu khác nhau khi vận dụng Điều 3 Nghị quyết 35 năm 2000 của Quốc hội.
 Có người nói nam nữ cứ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 là hôn nhân thực tế, có người lại bảo phải đủ điều kiện kết hôn mới được công nhận…Một ví dụ tiêu biểu đã được đưa ra: Ông A chung sống với bà B nhiều năm, đã có con chung và tài sản chung. Đến năm 1970, ông A lấy thêm vợ lẽ là bà C (có tổ chức cưới hỏi), sau đó sống với bà C. Năm 2002, ông A xin ly hôn bà C. Vậy quan hệ giữa ông và bà C có phải là hôn nhân thực tế hay không?
Chỉ cần chung sống như vợ chồng?
Những thẩm phán theo cách hiểu thứ nhất cho rằng trong trường hợp này, quan hệ giữa ông A và bà C vẫn được công nhận là hôn nhân thực tế dù vừa vi phạm về hình thức (không đăng ký kết hôn) vừa vi phạm về nội dung (ông A đã có vợ hợp pháp là bà B).
Các thẩm phán lý giải: Theo Điều 3 Nghị quyết 35, hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực) nhưng không đăng ký kết hôn thì được tòa công nhận là vợ chồng khi ly hôn. Như vậy, điều khoản trên không hề quy định nam nữ sống với nhau như vợ chồng phải có đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Vì luật không quy định nên các thẩm phán cho rằng chỉ cần điều kiện duy nhất là hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 thì công nhận họ là vợ chồng mà không cần điều kiện gì khác. Luật pháp không bắt buộc mà chỉ khuyến khích họ đi đăng ký kết hôn nên giả sử họ không đăng ký thì thực chất họ vẫn có mối quan hệ vợ chồng.
Một phiên tòa xử ly hôn tại TAND quận 10, TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
Hay phải đủ các điều kiện kết hôn?
Ngược lại, nhiều thẩm phán khác không đồng tình với cách hiểu trên. Theo họ, ông A và bà C sẽ không được công nhận là vợ chồng dù hai bên có tổ chức cưới hỏi đàng hoàng, có sống chung từ năm 1970 bởi ông A đang có vợ là bà B.
Theo các thẩm phán, Điều 3 Nghị quyết 35 chỉ châm chước cho các trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 mà vi phạm điều kiện về hình thức là chưa đăng ký kết hôn; còn về nội dung phải thì tuân thủ đầy đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1960 (Trừ những trường hợp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trước giải phóng lấy tiếp vợ hai, đã có thông tư hướng dẫn riêng).
Tòa Dân sự TAND Tối cao đồng ý với quan điểm này vì Điều 35 Nghị quyết 35 không yêu cầu có đủ điều kiện kết hôn cũng không có nghĩa là không cần tuân thủ điều kiện khi kết hôn. Theo Tòa Dân sự, thẩm phán hiểu khái niệm không quy định điều kiện kết hôn đồng nghĩa với khái niệm không cần đủ điều kiện kết hôn là máy móc và không chính xác. Đánh đồng hai khái niệm trên sẽ dẫn đến chuyện áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.
Mặt khác, Tòa Dân sự cho rằng nếu áp dụng theo quan điểm thứ nhất thì rất khó xử lý những trường hợp đặc biệt như những người cùng dòng máu về trực hệ như cha, con, anh em; cha mẹ nuôi với con nuôi. Tương tự là giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; cha dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng; những người có họ trong phạm vi ba đời... Bởi thực tế có trường hợp thuộc một trong các trường hợp trên sống với nhau như vợ chồng, có tổ chức lễ cưới, thực sự chăm sóc, yêu thương, giúp đỡ nhau nhưng làm sao có thể công nhận họ là vợ chồng được!
Theo một lãnh đạo Tòa Dân sự, luật hôn nhân và gia đình các năm 1960, 1986 và 2000 đều quy định hôn nhân muốn được coi là hợp pháp trước hết phải thỏa mãn các điều kiện kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó, Điều 3 Nghị quyết 35 của Quốc hội cũng không thể thoát ly ngoài các quy định đó.
Không chỉ dựa vào câu chữ
Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, khi tìm hiểu, giải thích pháp luật, để đảm bảo tính chính xác và không mâu thuẫn với quy định khác thì không chỉ căn cứ vào câu chữ cụ thể mà còn phải tổng hợp các quy định về các vấn đề đó. Có như vậy mới đảm bảo tính ổn định và thống nhất trong việc giải thích và áp dụng pháp luật, không rơi vào chuyện áp dụng máy móc, trái thực tế, trái đạo đức.
Không thể vi phạm điều kiện về nội dung
Tôi cho rằng trong trường hợp hai người sống với nhau nhưng vi phạm điều kiện kết hôn về nội dung như đang có vợ (chồng) hoặc vi phạm đạo đức thì không nên công nhận hôn nhân thực tế cho họ. Nếu có tranh chấp thì tòa chỉ nên giải quyết về vấn đề tài sản hoặc con chung cho họ.
Nếu chấp nhận một cách dễ dãi theo kiểu luật không quy định điều kiện theo quan điểm thứ nhất thì sẽ có người được công nhận nhiều hôn nhân một lúc, gây nhiều khó khăn, rắc rối khi giải quyết hậu quả phát sinh.
(Thẩm phán HOÀNG VĂN HẢI, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh)
Phải hiểu đúng tinh thần nghị quyết
Theo tôi, phải hiểu theo cách thứ hai mới đúng tinh thần Nghị quyết 35 bởi ngoài các điều kiện về mốc thời gian nêu trên thì phải có đủ điều kiện kết hôn mới có thể coi là hôn nhân thực tế. Điều kiện kết hôn ở đây có thể hiểu là yếu tố đương nhiên cho một cuộc hôn nhân có ý nghĩa.
Tôi nghĩ chẳng ai máy móc mà công nhận vợ chồng cho những người thiếu năng lực hành vi hoặc có quan hệ họ hàng gần gũi, có dòng máu trực hệ với nhau cả.
Đức Hoài
(Theo Pháp luật Thành phố)
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết