(Thừa phát lại 24h)-Ngày 14-2, tại trụ sở của Báo Pháp Luật TP.HCM, các đại diện của Thừa phát lại quận Bình Thạnh, Thừa phát lại quận 5, Sở Tư pháp TP.HCM và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có buổi trao đổi, góp ý kiến xung quanh dự thảo Thông tư liên tịch về thí điểm chế định Thừa phát lại.
- Bà Phạm Thị Thanh Loan, Cục phó Cục thi hành án dân sự TP.HCM khẳng định "Thừa phát lại chỉ lập kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án gởi Cục trưởng cục thi hành án dân sự xem xét. Việc ra quyết định cưỡng chế thi hành án và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án và huy động lực lượng bảo vệ thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự."
- Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, nhìn nhận " Nếu vì quan điểm không đồng tình của TANDTC và Bộ Công an mà Thông tư liên tịch không được thông qua thì hoạt động của các tổ chức Thừa phát vẫn không bị ảnh hưởng nhiều vì các nghị định liên quan đã đủ cơ sở pháp lý để thừa phát lại hoạt động.
- Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh và ông Phạm Quang Giang, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 5, cùng nhận xét, dự thảo thông tư liên tịch này cụ thể hóa các trình tự thủ tục liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại. Nói một cách nôm na là nó làm chặt chẽ hơn hoạt động của Thừa phát lại chứ không phải tăng thêm quyền cho tổ chức này.
“Anh em Thừa phát lại đều đang cố gắng hoạt động thật tốt, phù hợp với các quy định của pháp luật vì mọi người đều ý thức hoạt động của Thừa phát lại hiện vẫn đang là thí điểm, phải cố gắng làm, ít nhất là để khẳng định mình” – ông Hùng nêu quan điểm.