Lập vi bằng cân nhắc, cẩn thận từng câu chữ

  3/12/14
Blog Thừa phát lại - Nhằm tiếp tục gỡ vướng cho hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại đang tại TP. HCM, ngày 01/12/2014, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị về hoạt động lập vi bằng của các văn phòng Thừa phát lại. Chuyên trang Thừa phát lại 24h trích đăng bài viết của phóng viên Hồng Tú, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh về hội nghị này:
Tại hội nghị về hoạt động lập vi bằng của các văn phòng thừa phát lại (TPL) TP.HCM do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức ngày 1-12, bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) đánh giá: Công tác lập và đăng ký vi bằng là hoạt động quan trọng, là nguồn thu chính của nhiều văn phòng TPL ở TP.HCM. Tuy mới thực hiện nhưng số lượng vi bằng được lập rất lớn và từng bước hoạt động lập vi bằng của TPL đã đi vào nề nếp.
Không lập vi bằng giao dịch trái pháp luật
Tuy nhiên, do đây là công việc mới nên trong một số trường hợp, các văn phòng TPL còn băn khoăn, lúng túng. Từ nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi công tác lập và đăng ký vi bằng phải được thống nhất cách làm từ cơ quan đăng ký vi bằng đến chính các văn phòng TPL.
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, TPL không được lập vi bằng các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người có yêu cầu lập vi bằng. Nhiều TPL đề nghị cần làm rõ thế nào là “nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật” để TPL thực hiện cho đúng luật.
Theo TPL Nguyễn Tiến Pháp (Văn phòng TPL quận Thủ Đức), giá trị của vi bằng là sự ghi nhận trung thực sự kiện hành vi đã xảy ra trước sự chứng kiến của TPL, dùng để làm chứng cứ trong một số trường hợp nên không thể gán cho nó thuộc tính như là văn bản công chứng. Mặt khác, TPL không phải là cơ quan có thẩm quyền xác định sự kiện, hành vi nào là trái pháp luật. Vì vậy không thể buộc TPL phải biết và đảm bảo mục đích sử dụng của vi bằng.
Hình ảnh Thừa phát lại Q. Thủ Đức lập vi bằng ghi nhận việc đòi nhà cho thuê. 
TPL Vũ Thị Trường Hạnh (Trưởng Văn phòng TPL quận 8) cho biết thêm: Nhiều trường hợp người dân chỉ yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận có sự giao nhận tiền giữa các bên, còn giao nhận tiền để làm gì thì họ không nói. “Khi TPL hỏi mục đích giao nhận tiền, nhiều người đã phản ứng rằng TPL phải hỏi mục đích làm chi. Chúng tôi đã giải thích nhưng người dân vẫn không chịu nói ra mục đích của họ” - bà Hạnh nói.
Trao đổi, ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM) giải thích: Cụm từ “trái pháp luật” trong câu “nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật” được hiểu theo hai dạng. Một là hành vi đó bị pháp luật cấm như giao dịch để trả tiền cho việc thua bạc, mua bán ma túy… Hai là giao dịch đó theo quy định pháp luật bắt buộc phải thực hiện một số thủ tục nhưng các bên không thực hiện. Rõ nhất là trường hợp chuyển nhượng nhà đất: Luật quy định các bên phải ra công chứng nhưng họ không thực hiện mà TPL lại đi lập vi bằng là không được.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, nội dung trên cần được Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể hơn để các văn phòng TPL áp dụng thống nhất. “Đúng là không mấy ai muốn nói mục đích giao tiền cho nhau để làm gì mà nếu họ có nói thì cũng chưa chắc điều họ nói đã đúng sự thật và TPL cũng không thể xác minh. Do vậy, Sở Tư pháp cần nghiên cứu nội dung này và kiến nghị lên cấp trên để tháo gỡ” - ông Chính đề nghị.
Cân nhắc cẩn thận từng câu chữ
Ông Nguyễn Đức Chính góp ý rằng các văn phòng TPL cần nâng cao hơn kỹ năng lập vi bằng, chữ nghĩa cũng cần phải được cân nhắc cẩn thận hơn: “Có trường hợp người dân cùng lúc yêu cầu ghi nhận nhiều sự kiện, hành vi khác nhau thì chúng ta chỉ lập vi bằng những nội dung trong phạm vi, thẩm quyền và giải thích cho người dân hiểu. Vi bằng ghi nhận trung thực những sự kiện, hành vi đã xảy ra nên không được để cho cá nhân, tổ chức lầm tưởng đây là văn bản có giá trị giải quyết tranh chấp”.
Ông Từ Dương Tuấn cũng khẳng định: Vi bằng là văn bản ghi nhận một cách trung thực sự kiện đã xảy ra, thể hiện chính xác các sự kiện nên TPL không thể đưa vào đó nhận xét, quan điểm, ý chí của mình, càng không thể xác định tính xác thực của sự việc, tính hợp pháp của hợp đồng…

TPL Nguyễn Tiến Pháp đề nghị cần giao cho TPL sự chủ động trong văn phong, trình bày vi bằng bởi điều này thể hiện trình độ, kỹ năng của mỗi TPL. Nó cũng là thế mạnh cạnh tranh của mỗi văn phòng TPL. Nếu TPL lập vi bằng với câu chữ sắc sảo, được cơ quan giải quyết tranh chấp đánh giá cao trong việc sử dụng làm chứng cứ thì người dân sẽ tìm đến nhiều...
Đức Hoài
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết