Blog Thừa phát lại - Phim phát hành trên các rạp chiếu phim có thu phí đã tồn tại từ lâu ở các nền điện ảnh lớn trên thế giới nhưng các nhà làm phim Việt Nam thì mới bước vào lĩnh vực này trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, do được đầu tư bài bản và kịch bản hài hước cùng dàn diễn viên nổi tiếng nên các bộ phim chiếu rạp do các nhà sản xuất phim Việt Nam thực hiện ngày càng thu hút đông đảo khán giả đến xem và tạo nên doanh thu khủng cho các phòng vé. Có thể dễ dàng kể tên hàng loạt phim Việt đắt khách những năm gần đây như sau:
2008: Nụ hôn thần chết - 16 tỷ
2009: Giải cứu thần chết - 20 tỷ
2010: Công chúa teen và ngũ hổ tướng - 25 tỷ
2011: Long Ruồi - 42 tỷ
Cô dâu đại chiến 1 - 7,6 tỷ
2012: Cưới ngay kẻo lỡ - 34 tỷ
Hello cô Ba - 28 tỷ
2013: Tèo Em - 80 tỷ
Nhà có 5 nàng tiên - 60 tỷ
Mỹ nhân kế - 52 tỷ
2014: Để Mai tính 2 – hơn 90 tỷ đồng
Chàng trai năm ấy: Hơn 40 tỷ đồng
Các phim Việt ngày càng được nhiều khán giả đón nhận
Chưa bàn về những nội dung phim, chất lượng phim có đi sát thực tế cuộc sống, với số lượng đông đảo khán giả đến các rạp chiếu phim ủng hộ các sản phẩm điện ảnh Made in Việt Nam chứng tỏ nền điện ảnh Việt Nam đang có những bước khởi sắc. Dễ dàng nhận thấy đa phần các phim nêu trên là phim hài và các khán giả chấp nhận đến rạp xem phim vì: Phim được đầu tư doanh thu khủng, dàn diễn viên nổi tiếng, yếu tố hài hước trong phim và cũng vì yếu tố tò mò do phim không chiếu rộng rãi trên truyền hình mà phải mất tiền mới được xem.
Bởi vậy, các nhà làm phim rất sợ các đứa con cưng hái ra tiền của mình bị phát tán trên mạng mà không được phép. Với thời đại internet này, chỉ cần 1 bộ phim chiếu rạp nổi tiếng bị rò rỉ trên mạng thì trong tích tắc sẽ có rất nhiều trang chia sẻ lại nội dung phim để tăng lượt view trang của mình bởi thực hiện điều đó rất dễ dàng với vài cái click chuột. Lúc đó, bao nhiêu công sức, tiền đầu tư vào bộ phim có nguy cơ mất trắng. Khán giả chỉ cần lên mạng là xem được nội dung phim mà không phải mất tiền đến rạp.
Hình minh họa. Sẽ là vi phạm pháp luật nếu đăng tải phim ảnh lên mạng mà
không được phép của chủ sở hữu
Vậy, các nhà làm phim cần phải làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình. Khi phát hiện ra có các trang mạng phát tán các bộ phim của mình mà không được sự đồng ý hay cho phép từ trước, các nhà làm phim cần nhanh chóng yêu cầu trang mạng gỡ bỏ nội dung phim và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc gỡ bỏ các bộ phim này rất là dễ dàng. Khi bị đưa ra yêu cầu thì các trang phim có thể nhanh tay thực hiện công việc này, xóa dấu vết và chối bỏ trách nhiệm. Do đó, điều quan trọng là các nhà làm phim cần tạo lập 1 chứng cứ đủ mạnh ghi nhận rằng các bộ phim của mình đang thực sự hiện hữu trên trang mạng. Bằng cách nào?
Các nhà làm phim có thể quay phim, sao chụp lại nội dung của các trang đó. Quay phim, chụp hình là nghề của các nhà làm phim rồi. Nhưng có gì đảm bảo những chứng cứ đó là mang tính khách quan để trình trước cơ quan có thẩm quyền hay cho bên đối lập do nó được tạo lập do chính bên đi kiện?
Khách hàng đang được nhân viên văn phòng Thừa phát lại hỗ trợ lập vi bằng
Hiện nay, chế định Thừa phát lại đã ra đời và các văn phòng Thừa phát lại được giao thẩm quyền lập các vi bằng, xác lập chứng cứ để giúp các bên sử dụng trước Tòa án và trong các quan hệ pháp lý khác. Chiếu theo vụ việc ở trên, nếu như các hãng phim có yêu cầu, các văn phòng Thừa phát lại sẽ lập các dạng vi bằng trên internet, ghi nhận nội dung các trang web có hành vi vi phạm. Thừa phát lại khi lập vi bằng không đơn thuần chỉ thực hiện các thao tác quay phim, chụp hình mà sẽ bao gồm thêm phần nghiệp vụ vi bằng internet đảm bảo giá trị chứng cứ vững chắc cho bên yêu cầu.