Blog Thừa phát lại - Đình công là một hoạt động bình thường trong thời buổi kinh tế thị trường, là một phương thức để người lao động thể hiện những bức xúc có thật của mình về một chính sách mà theo họ là chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế hay ít ra là chưa công bằng trong nội bộ doanh nghiệp.
Hình minh họa (Nguồn Internet) |
Dù cuộc đình công là hợp pháp hay bất hợp pháp đi chăng nữa thì doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Thiệt hại này bao gồm: Cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, trễ đơn hàng, bị đối tác hủy hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng, kẻ xấu lợi dụng đình công phá hoại, trộm cắp tài sản công ty....
Bất kỳ cuộc đình công nào thì Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định: Cuộc đình công là trái pháp luật hay không? Những người lao động nào có tham gia? Những người nào có hành vi quá khích gây thiệt hại tài sản doanh nghiệp?... bằng cách thu thập các chứng cứ, tài liệu để sử dụng giải quyết hậu quả về sau. Vấn đề tiền lương, bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp do đình công, miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng là đình công... đều dựa vào các chứng cứ, tài liệu này.
Vậy, doanh nghiệp có thể tự mình thu thập chứng cứ, tài liệu này được hay không hay phải nhờ đến sự hỗ trợ của bên thứ 3, và nếu có bên thứ 3 này thì họ là ai?
Doanh nghiệp có thể tự mình thu thập chứng cứ nhưng quá trình đó là khá khó khăn và sau này, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ buộc doanh nghiệp phải chứng minh tính khách quan của các tài liệu này. Để tránh những khó khăn, trở ngại này thì doanh nghiệp có thể yêu cầu các văn phòng Thừa phát lại với tư cách là bên thứ 3 độc lập hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công việc thu thập chứng cứ bằng cách xác lập các vi bằng về việc đình công. Vi bằng có hình ảnh, video kèm theo được đăng ký tại Sở Tư pháp trong 3 ngày làm việc sẽ là chứng cứ không cần phải chứng minh, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hậu quả của việc đình công.