Blog Thừa phát lại - Việc dùng biên bản tống đạt để đương sự ký nhận là một trong những nguyên nhân khiến thư ký khó thực hiện được việc tống đạt trực tiếp. Bởi lẽ, đương sự ngại ký 1 tờ giấy có 2 từ "tống đạt", từ mà người dân quen nghe trên truyền hình hay đọc báo chỉ việc cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với tội phạm hình sự. Thực ra, tống đạt qua Thừa phát lại mang nghĩa thực tế là việc Thừa phát lại giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự cho đương sự theo quy định pháp luật.
Một thư ký VP Thừa phát lại Thủ Đức đang niêm yết văn bản tại nhà đương sự
Việc tống đạt được thực hiện bằng các phương thức sau:
1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện hoặc người thứ ba được uỷ quyền;
2. Niêm yết công khai;
3. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với phương thức thứ 3, việc tống đạt được thực hiện thông qua các phương tiện truyền tin như truyền thanh, truyền hình, báo đài... và chỉ thực hiện trong 1 số trường hợp cần thiết.
Với phương thức thứ 1 và thứ 2, trước đây Thư ký Tòa án, Chuyên viên ở Cơ quan thi hành án dân sự hay thậm chí cả Thẩm phán và Chấp hành viên tự mình đi tống đạt. Hoặc, các cơ quan này cũng có thể gửi thư qua đường bưu điện, gửi văn bản cần tống đạt đến yêu cầu Công an phường, Ủy ban nhân dân phường hoặc ban điều hành khu phố hỗ trợ tống đạt thay.
Tuy nhiên, nếu gửi qua đường bưu điện thì không đảm bảo rằng văn bản đã đến tận tay người cần gửi, thời gian gửi có thể kéo dài và khó chứng minh việc đã gửi văn bản cho đương sự khi thủ tục ký nhận qua bưu điện hoặc là không có hoặc là quá sơ sài.
Việc tống đạt qua Ủy ban phường, Công an hay khu phố cũng không khá hơn vì dễ phát sinh rủi ro bởi có quá nhiều đầu mối. Bên cạnh đó, những cơ quan này phải làm các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình không phải lúc nào cũng có thời gian hỗ trợ Tòa án, cơ quan thi hành án giao giấy nên tình trạng trễ hạn tống đạt là chuyện thường.
Trường hợp công chức làm trong Tòa án hay cơ quan thi hành án trực tiếp đi tống đạt thì có ưu điểm là việc tống đạt khá thuận lợi vì bản thân người đi tống đạt nắm được hồ sơ vụ việc nên dễ làm việc với đương sự. Ngoài ra, việc trực tiếp tiếp xúc với đương sự cũng giúp các cơ quan này nắm được tình hình đương sự (địa chỉ cư trú, thái độ đối với vụ việc...). Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này các công chức này mất quá nhiều thời gian để đi tống đạt các hồ sơ của mình ở một địa bàn phân bố rộng bởi đối với họ, hồ sơ của ai phụ trách thì người đó trực tiếp đi tống đạt mà không phân định được theo địa bàn. Từ đó, họ không có nhiều thời gian để tập trung vào công việc chuyên môn ở cơ quan, điều này là nghiêm trọng đặc biệt là ở các tỉnh thành có nhiều án. Người dân chúng ta từ lâu đã không hài lòng với việc án bị "ngâm", "án tồn đọng". Ngoài các vấn đề về chuyên môn ra thì khâu tống đạt chậm cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Hiện nay nhà nước đã cho phép thành lập các Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện các công việc pháp lý mà trong đó có công việc tống đạt văn bản. Các Thừa phát lại và Thư ký đều được đào tạo pháp luật bài bản. Việc Thừa phát lại đi tống đạt đã khắc phục được hầu hết các nhược điểm kể trên. Khâu tống đạt được quy về 1 đầu mối, giao cho 1 cơ quan chuyên trách sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình giải quyết hồ sơ. Do đó, người dân sẽ quen dần với việc giấy của Tòa án và cơ quan Thi hành án được Thư ký Thừa phát lại mang đến tận nhà giao cùng với việc mình ký nhận vào Biên bản tống đạt.
Đức Hoài