Blog Thừa phát lại - Là một trong những Văn phòng Thừa
phát lại đầu tiên của Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động, sau 4 năm Thừa
phát lại Ba Đình đã dần khẳng định “thương hiệu” của mình trong việc cung cấp
dịch vụ pháp lý, đặc biệt là vi bằng, được người dân đón nhận.
Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình trao đổi, tư vấn cho khách
hàng.
Vượt qua trở ngại về nhận thức
Những ngày Hà Nội nắng 38, 39 độ, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh Trưởng
Văn phòng Nguyễn Văn Lạng trên chiếc xe máy cũ đến mọi ngóc ngách phố phường Hà
Nội phục vụ người dân. Hỏi, anh nói dân đã cần thì phải đến tận nơi, nhiều địa
bàn như Ba Vì, không có xe máy không vào được. “Hơn nữa, mình đi xe máy cũng
tiết kiệm được một khoản cho dân, chứ cứ ô tô bệ vệ, người yêu cầu lại mất thêm
một khoản tiền”, ông Lạng cười hiền.
Còn nhớ, năm 2014, lần đầu tiên chế định Thừa phát lại xuất hiện ở
Hà Nội. Lo lắng nhất đối với những “người mở đường” trong lĩnh vực này không
phải là tiền bạc, cơ sở vật chất, hay hành lang pháp lý… mà chính là thừa phát
lại còn rất xa lạ với người dân Thủ đô. “Nhiều người đánh nhau gây thương tích
cũng gọi chúng tôi, chồng có biểu hiện ngoại tình cũng nhờ theo dõi…, tóm lại
người thì nghĩ mình là thám tử, người nghĩ mình là cơ quan nhà nước. Ngay cả
cán bộ trong cơ quan công quyền khi mình đến xuất trình giấy tờ đề nghị phối
hợp họ cũng e ngại, có nơi từ chối thẳng thừng…”, ông Lạng nhớ lại.
Không có thành công nào đến lại dễ dàng, vì thế ông Lạng và các
thừa phát lại trong văn phòng luôn trăn trở làm thế nào để người dân hiểu thừa
phát lại làm gì? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng cũng mất không ít công sức của
ông và các cộng sự trong văn phòng. Chủ động tìm đến các cơ quan truyền thông
nhờ tuyên truyền, xuất hiện dày đặc trong hội thảo, hội nghị, in tờ gấp, tờ
rơi, thậm chí đi đến từng cơ quan, từng địa bàn dân cư giới thiệu về thừa phát
lại… Mưa dầm thấm lâu, dần dần khách hàng tìm đến với Văn phòng của ông ngày
càng đông, đặc biệt nhu cầu lập vi bằng ngày càng lớn. Nếu trong năm đầu hoạt
động, chỉ có 95 vi bằng được lập, thì đến năm 2015 con số này là 223 vi bằng,
năm 2016 là 425 vi bằng, và năm 2017 con số tăng lên là 613 vi bằng…
“Nói con số tăng lên nhưng thực ra so với nhu cầu của đời sống thì
cũng chưa thấm vào đâu, bởi cuộc sống hàng ngày có bao vấn đề phát sinh cần
phải lập vi bằng, nhưng người dân cũng chưa có thói quen sử dụng”, ông Lạng cho
biết.
Ban đầu, việc lập vi bằng thường chỉ bó hẹp trong giao nhận tiền,
ghi nhận hiện trạng tranh chấp, hay thỏa thuận công việc trong gia đình… thì
giờ đây, vi bằng đã được lập trong mọi lĩnh vực, ngõ ngách của đời sống. Nói
xấu nhau trên mạng, sử dụng dịch vụ truyền hình trái phép, phân chia tài sản sau
ly hôn, xác nhận tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, góp vốn…
người ta đều gọi đến thừa phát lại. “Anh em chúng tôi rất vui vì ngày càng
nhiều người đến với thừa phát lại nghĩa là chế định này đã dần từng bước đi vào
cuộc sống”, ông Lạng phấn khởi nói.
Cần tạo thuận lợi cho “doanh nghiệp” thừa phát lại phát triển
Vẫn còn nhớ như in một việc lập vi bằng cho kết quả tốt. Ông Lạng
kể vụ việc xảy ra ở một xã trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xuất phát từ
việc tranh chấp nhà thờ dòng họ, gia đình chị X. bị một số đối tượng đến đập
phá nhằm chiếm nhà thờ họ. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi phía bị hại báo
chính quyền nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Trong lúc “nước sôi lửa
bỏng”, qua một người quen, chị X tìm đến thừa phát lại, đề nghị ghi nhận hiện
trường đổ nát, sau này làm bằng chứng tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền. Sau hai
ngày làm việc cật lực, thừa phát lại đã hoàn thành tấm vi bằng trao cho chị X.
Sau này, nhờ có vi bằng, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án. Rất nhiều trường hợp
khác, vi bằng được sử dụng làm chứng cứ tại các cơ quan tố tụng, mang lại công
bằng cho người dân.
Vi bằng hiện đang là lĩnh vực đem lại nhiều doanh thu nhất cho các
Văn phòng Thừa phát lại ở Hà Nội. Tuy nhiên, đối với Văn phòng Thừa phát lại Ba
Đình thì vấn đề lợi nhuận không đặt lên hàng đầu, mà theo ông Lạng quan trọng
vẫn là việc làm sao để dân biết đến mình. “Nhiều gia đình có công, người nghèo,
người neo đơn, tàn tật… chúng tôi đều có chính sách miễn giảm mức thu”, ông
Lạng cho biết. Với những trường hợp này nếu có nhu cầu, Thừa phát lại sẽ chủ
động liên hệ qua chính quyền cơ sở hoặc tổ dân phố để xác định họ đúng là đối
tượng cần miễn giảm chứ không yêu cầu xuất trình bất cứ giấy tờ gì. Đối với
chính quyền cơ sở, muốn lập vi bằng để phục vụ công tác quản lý, nhiều trường
hợp cũng được thừa phát lại lập miễn phí.
Hoạt động trong điều kiện hành lang pháp lý còn thiếu, chưa đồng
bộ, nên phương châm của Thừa phát lại Ba Đình càng phải thận trọng, tuân thủ
đúng quy trình trong tác nghiệp. Ví dụ để lập được một vi bằng, người yêu cầu
phải xuất trình CMND, các giấy tờ chứng minh quyền (nếu có) đối với việc có yêu
cầu lập vi bằng; Người yêu cầu lập và ký phiếu yêu cầu lập vi bằng; Ký hợp đồng
cung cấp dịch vụ lập vi bằng; Thừa phát lại thực hiện lập vi bằng ghi nhận sự
kiện, hành vi theo yêu cầu của khách hàng; Hoàn thiện vi bằng, trả cho khách
hàng; Đăng ký vi bằng theo quy định sau đó lập hồ sơ, đưa vào lưu trữ để kết
thúc quá trình lập vi bằng.
Ngoài lập vi bằng, thừa phát lại còn có chức năng tống đạt văn bản
giấy tờ, xác minh điều kiện thi hành án… góp phần giảm tải cho cơ quan nhà
nước. Từ khi hoạt động đến nay Văn phòng Thừa phát lại đã thu cho ngân
hàng số tiền trên 12 tỷ đồng, mỗi năm thu gần 1 tỷ tiền tống đạt văn bản giấy
tờ…Doanh thu không lớn, song Văn phòng luôn chấp hành tốt các quy định về nộp
thuế, về đóng bảo hiểm cho người lao động và tham gia tích cực các hoạt động từ
thiện do quận Ba Đình tổ chức. Văn phòng cũng luôn tạo môi trường tốt cho các
thừa phát lại và thư ký hoạt động, trao đổi chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ…Với
những thành tích trong hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đã được nhận
Bằng khen của Bộ trưởng Tư pháp và 2 Bằng khen của UBND TP Hà Nội.
Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Nguyễn Văn Lạng tâm niệm, Văn phòng
hoạt động theo mô hình Doanh nghiệp, nhưng là Doanh nghiệp đặc thù. Bởi lẽ,
công việc nó được giao thực hiện thuộc lĩnh vực hoạt động tư pháp, được Viện
KSND thực hiện việc kiểm tra, giám sát trực tiếp theo Luật Viện KSND giống như
Cơ quan Thi hành án dân sự. Mặt khác, là Doanh nghiệp nhưng hoạt động nó
được giao thực hiện không nhằm mục đích lợi nhuận, mà phần lớn do ngân sách nhà
nước chi trả (thông qua Tòa án nhân dân và Cơ quan Thi hành án dân sự),
hoặc theo mức phí Nhà nước quy định trong lĩnh vực Thi hành án. Do vậy, để tạo
điều kiện thuận lợi cho các “Doanh nghiệp” Thừa phát lại hoạt động và phát
triển theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, ông Lạng mong muốn UBND thành
phố xem xét, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các Văn phòng Thừa phát lại.
Đồng thời, Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại khi hành nghề cũng
nên có trang phục riêng như những Công lại đang thực thi công vụ.
Nguồn: http://baophapluat.vn/ (Tên bài đăng đã được tác giả đặt lại)