Thừa phát lại là tư nhân?

  5/8/18
Blog Thừa phát lại - Anh Nguyễn Văn Đ ở địa chỉ email nguyenvand...89@gmail.com gửi đến chuyên trang Thừa phát lại câu hỏi:
"Chào chuyên trang Danh bạ Thừa phát lại. Hôm trước tôi thấy người của Thừa phát lại đến đưa giấy tờ của Tòa án cho nhà tôi do nhà tôi đang có vụ tranh chấp về thừa kế. Vì thấy đây không phải là người của Tòa án, của Ủy ban nên nhà tôi không nhận. Thế là nhân viên này dán luôn văn bản trước nhà tôi. Chúng tôi rất bức xúc. Cho hỏi Thừa phát lại là nhà nước hay tư nhân mà có quyền làm những việc như vậy?"
Chúng tôi xin trả lời như sau:
Thừa phát lại là chức danh bổ trợ tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, hành nghề pháp lý tại Văn phòng Thừa phát lại. Đây là một tổ chức tư nhân được Nhà nước cho phép thành lập khi đáp ứng những điều kiện nhất định (mỗi cấp đơn vị hành chính quận, huyện chỉ có một văn phòng Thừa phát lại). Văn phòng Thừa phát lại được Nhà nước giao bốn mảng công việc liên quan đến quyền lực công gồm:
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Như vậy, Thừa phát lại là người hành nghề pháp lý tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại cũng là một tổ chức tư nhân nhưng thực hiện các công việc mang quyền lực công.
tống đạt của thừa phát lại
Thư ký của Văn phòng Thừa phát lại Q. Thủ Đức đang niêm yết văn bản tống đạt tại nhà đương sự
Về sự việc mà anh Nguyễn Văn Đ nêu, đấy là hoạt động tống đạt của Thừa phát lại. Theo quy định thì Thừa phát lại hoặc Thư ký nghiệp vụ (có bằng trung cấp Luật trở lên) được Trưởng Văn phòng phân công thực hiện việc tống đạt nhưng đa phần Thư ký nghiệp vụ là người thực hiện. Thừa phát lại chỉ trực tiếp đi tống đạt khi giữa Văn phòng Thừa phát lại và Tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự  thỏa thuận rằng văn bản/vụ việc đó phải do Thừa phát lại thực hiện. Trên thực tế, Thừa phát lại thường trực tiếp đi tống đạt khi vụ việc đó phức tạp (tống đạt trong trại tạm giam...). 
Thủ tục tống đạt được thực hiện theo pháp luật về tố tụng (nếu tống đạt văn bản của Tòa án) hoặc pháp luật về thi hành án dân sự (nếu tống đạt văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự). Theo đó, nếu Thừa phát lại đến tống đạt văn bản cho nhà anh nhưng nhà anh từ chối nhận văn bản thì Thừa phát lại phải niêm yết văn bản nếu đủ điều kiện niêm yết theo Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Tác giả: Đức Hoài
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết