Sở Tư pháp TP.HCM vừa tổ chức hội nghị liên quan đến hoạt động của
các văn phòng thừa phát lại (TPL) trên địa bàn. Theo phòng Bổ trợ tư pháp (Sở
Tư pháp TP.HCM), hiện nay các văn phòng TPL đã lập theo yêu cầu của cá nhân, tổ
chức và đăng ký tại Sở Tư pháp tổng cộng gần 11.000 vi bằng với doanh thu trên
7,7 tỉ đồng.
Vì sao người dân ngộ nhận?
Theo báo cáo trên, có đến 95% vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận
tiền, 5% vi bằng còn lại ghi nhận hiện trạng tài sản, giao nhận văn bản, các sự
kiện trên mạng Internet… Không có nội dung nào ghi nhận việc chuyển nhượng về
nhà, đất và các nội dung thuộc thẩm quyền công chứng, chứng thực.
Cũng theo phòng Bổ trợ tư pháp, khó khăn lớn nhất là mặc dù chế
định TPL đã được thực hiện chính thức từ đầu năm 2016 nhưng đến nay vẫn áp dụng
các quy định pháp luật trong giai đoạn thí điểm. Do đó chưa có quy định pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TPL.
“Nhiều người cứ cho rằng TPL tiếp tay cho mua bán, chuyển nhượng
đất đai bất hợp pháp là chưa đúng. Bởi lẽ hầu hết vi bằng đều ghi rất rõ là vi
bằng có giá trị chứng cứ, không thay thế các văn bản công chứng, chứng thực.
Vậy tại sao người dân vẫn cứ lập vi bằng giao nhận tiền?” - Trưởng Văn phòng
TPL quận Bình Thạnh Lê Mạnh Hùng nói.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Thừa
phát lại cần phải giải thích rõ cho người dân hiểu giá trị của vi bằng. Ảnh:
NGÂN NGA
Theo ông Hùng, chính bản thân TPL khi lập vi bằng giao nhận tiền
(có yếu tố liên quan đến mua bán, chuyển nhượng đất đai) cũng không giải thích
rõ cho người dân hiểu giá trị của vi bằng. Do đó người dân mới tin tưởng vào
lời “cò đất” mà nghĩ rằng đây là văn bản công chứng, chứng thực. Thế nhưng nếu
như vi bằng lập trong trường hợp giao nhận tiền khi chuyển nhượng, mua bán đất
đai hợp lệ, đã qua hợp đồng công chứng thì việc lập vi bằng lại rất có giá trị.
Cũng theo ông Hùng, có văn phòng TPL đã chia làm hai bộ hồ sơ: Một
bộ là vi bằng giao nhận tiền, một bộ gồm tài liệu đính kèm việc mua bán, chuyển
nhượng đất đai. Đây là sự nhập nhằng, không rõ ràng, dẫn đến ngộ nhận vi bằng
là văn bản công chứng, chứng thực.
Siết chặt việc lập vi bằng
Theo ông Đặng Minh Tâm, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Củ Chi,
huyện này không có văn phòng TPL. Cuối năm 2018, một xã của huyện Củ Chi (giáp
ranh với huyện Hóc Môn và quận 12) có tới 263 vi bằng ghi nhận việc giao nhận
tiền để mua bán nhà, đất tại địa bàn huyện bằng giấy tay. Từ đó, UBND huyện chỉ
đạo các phòng tư pháp tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị của vi
bằng. Cạnh đó, theo ông Tâm, hiện nay có một số văn phòng công chứng, văn phòng
luật sư trên địa bàn huyện có gắn bảng hiệu trong đó có để TPL.
Đại diện Phòng Tư pháp huyện Hóc Môn còn cho biết người dân vẫn
chưa hiểu được giá trị của vi bằng. Việc mua bán chủ yếu thông qua người môi
giới nên họ cứ bảo “công chứng vi bằng” như vậy là hợp pháp rồi, cứ thế mà dọn
nhà đến ở. Vì vậy mới có những căn nhà ba chung: chung giấy phép xây dựng,
chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà.
Bà Hoàng Phương Thúy, Trưởng Văn phòng TPL quận Gò Vấp, nói: “Nếu
người dân đến TPL để nhờ chứng kiến việc giao nhận tiền chứ không nói về việc
mua bán nhà, đất thì TPL cũng không thể kiểm soát được. Trong vi bằng giao nhận
tiền cũng không có quy định phải ghi mục đích giao nhận tiền để làm gì. Do đó,
không thể nói TPL cố tình tiếp tay cho hành vi mua bán nhà, đất trái phép thông
qua vi bằng”.
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, hiện
nay đối với đất nằm trong quy hoạch, đất không đủ điều kiện để tách thửa, một
số người dân đã mua bán bằng hình thức lập vi bằng giao nhận tiền. Trong nội
dung của vi bằng không có một câu chữ nào về mua bán nhà, đất nhưng họ lại nghĩ
rằng TPL đang chứng nhận việc mua bán này.
Cũng theo bà Thuận, Sở Tư pháp đã yêu cầu các văn phòng TPL phải
ghi ngày giờ lập vi bằng, người yêu cầu lập vi bằng phải ghi rõ “đã đọc và hiểu
rõ giá trị pháp lý của vi bằng” để người dân không ngộ nhận vi bằng là văn bản
công chứng, chứng thực mua bán nhà, đất.
Miễn nhiệm một trưởng văn phòng thừa phát lại
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, vừa qua cơ quan có thẩm quyền đã miễn
nhiệm trưởng Văn phòng TPL quận Gò Vấp là ông Nguyễn Đức Thịnh. Trước đó, Pháp
Luật TP.HCM từng phản ánh ông Thịnh đã có vi phạm trong việc lập 78 vi bằng
liên quan đến việc lập vi bằng tặng cho quyền sử dụng đất tại quận 12, trong đó
có hai vi bằng vị này không chứng kiến trực tiếp sự việc. TPL Đồng Quốc Tuấn
(làm việc theo chế độ hợp đồng) có vi phạm về trình tự thủ tục trong việc lập
bảy vi bằng. Hai TPL này có thiếu sót không giải thích rõ, đầy đủ giá trị pháp
lý của vi bằng, gây ngộ nhận vi bằng của TPL với văn bản công chứng, chứng
thực.
Nguồn: PLO