Trước hết, mọi người biết Thừa phát
lại là gì chưa? Nếu chưa thì xin đọc bài viết này nhé.
Link bài viết: Thừa phát lại là ai?
Bước 1: Phải có bằng đại học
Luật
Việc đầu tiên cần làm để trở thành thừa phát lại là phải có bằng đại học luật. Tốt nghiệp trường luật nào cũng được nhé (trường công, trường tư, trường ít nổi tiếng, trường ở nước ngoài, song bằng, tại chức, văn bằng hai…) nhưng tối thiểu phải là có bằng đại học luật.
Bước 2: Trải qua lớp bồi dưỡng
nghiệp vụ hoặc đào tạo thừa phát lại
Những người chỉ cần trải qua bồi
dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại thường là đã có một thời gian công tác pháp luật
lâu dài, có chức vụ, học hàm, địa vị nhất định trong ngành luật nên họ chỉ cần tham
dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại (3 tháng).
Link bài viết: Những ai được miễn đào tạo thừa
phát lại?
Nếu không được miễn đào tạo thì phải học lớp đào tạo 06 tháng. Lớp bồi dưỡng hay đào tạo thì đều do Học viện tư pháp thuộc Bộ Tư pháp tổ chức. Hiện có 2 cơ sở ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Học viện cũng mở lớp ở một số tỉnh thành phố khác để phục vụ nhu cầu người học. Mọi người quan tâm thì tham khảo link này ở của Học viện tại đây nhé.
Phí khoảng 10tr/1 lớp đào tạo và 6tr/1 lớp bồi dưỡng.
Lễ bế giảng một lớp thừa phát lại ở Hậu Giang (Ảnh: Học viện Tư pháp) |
Bước 3: Đi tập sự
Hồ sơ đăng ký tập sự được nộp ở Sở Tư pháp. Người được miễn đào tạo thì tập sự 3 tháng; người phải đào tạo thì tập sự 6 tháng. Tập sự xong thì có bài báo cáo tập sự nộp lại ở Sở Tư pháp nơi tập sự. Bài tập sự này phải tự làm nghiêm chỉnh chứ đừng có copy bài của người khác mà bị Sở Tư pháp bắt đi tập sự lại nhé mọi người.
Bước 4: Kiểm tra kết quả tập sự
Hình thức kiểm tra là kiểm tra viết
chia làm 2 bài: Bài kiểm tra thứ nhất về pháp luật về Thừa phát lại và Quy tắc
đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; Bài kiểm tra thứ hai về kỹ năng hành nghề
Thừa phát lại. Phí đóng là 2,7 triệu.
Cho đến khi Hoài viết bài này thì
chưa có kỳ kiểm tra tập sự thừa phát lại nào được diễn ra nên cũng không biết thực tế tổ chức
như thế nào nhưng thường là tổ chức ở Hà Nội, hoặc nếu nhu cầu đông hơn thì có
thể có một lớp ở TP. Hồ Chí Minh nhé mọi người.
Trước đây, những lứa thừa phát lại đầu tiên thì thường chỉ học qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn và đủ 5 năm công tác pháp luật là bổ nhiệm rồi vì lúc đó đang thí điểm hoặc mới hoàn thành thí điểm nên đang còn khuyến khích mọi người tham gia nghề này. Hoài cũng chỉ học khoảng 2 tháng (thứ 7 và chủ nhật) là bổ nhiệm rồi.
Bước 5: Nộp hồ sơ đề nghị bổ
nhiệm
Nộp thông qua Sở Tư pháp để Sở kiểm
tra hồ sơ bước đầu. Sau đó, Sở sẽ chuyển hồ sơ ra Bộ Tư pháp đề nghị bổ nhiệm.
Với đối tượng được miễn đào tạo
thì không nói nhưng ai mà phải tham gia lớp đào tạo thì nhớ là phải có thời
gian công tác pháp luật 3 năm trở lên tính từ ngày ghi trên bằng đại học luật.
Công tác pháp luật ở đây có thể là làm thư ký luật sư, chuyên viên pháp chế, giảng
viên luật, thư ký tòa án, công chức tư pháp… Và nhớ là thời gian công tác pháp
luật này là thật, có quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động kèm giấy tờ chứng
minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhé (cái này chắc là Nhà nước rút kinh nghiệm
có mấy hồ sơ nghề luật trước đây khai không trung thực về thời gian công tác).
Phí đóng là 800k.
Thời gian từ khi nộp hồ sơ lên Sở
Tư pháp đến khi có quyết định bổ nhiệm (nếu suôn sẻ) là khoảng 2 tháng nhé.
Một lưu ý cuối cùng là khi đóng
phí thẩm định hồ sơ bổ nhiệm thì phải ghi đúng thông tin tài khoản của Cục bổ trợ
tư pháp, ghi không đúng là nó trả lại thì phiền. Tài khoản này hơi đặc biết xíu
là được mở tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thu hộ nên phải kiểm tra kỹ thông
tin trước khi chuyển nhé (thông tin cập nhật đến hiện tại):
1.
Tên tài khoản: Cục Bổ trợ tư pháp
2.
Số tài khoản: 3511.0.1118188
3.
Mở tại Kho bạc nhà nước quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
4. Ngân hàng ủy nhiệm thu: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh Ba Đình./.