Blog Thừa phát lại - Thoạt nhìn, hoạt động của Thừa phát lại có những nét tương đồng với hoạt động của Công chứng viên, nhất là hành vi công chứng và hành vi lập vi bằng. Tuy nhiên, hoạt động của hai chức danh này theo quy định của pháp luật và trên thực tế không hề chồng chéo nhau. Nếu Công chứng viên là người thay mặt Nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các thỏa thuận, văn kiện, giấy tờ, hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng (trừ một số trường hợp ngoại lệ được công chứng ngoài Văn phòng), thì hoạt động của Thừa phát lại là lập vi bằng về những sự kiện xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về thời gian và không gian theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các hoạt động của Công chứng viên và Thừa phát lại đều nhằm hỗ trợ ngăn chặn cũng như giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng, thỏa thuận, giúp tổ chức và cá nhân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất.
Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại còn hỗ trợ cho hoạt động của Công chứng viên. Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì vi bằng còn là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, do đó có rất nhiều hành vi, sự kiện có thật cần lập vi bằng để hỗ trợ quá trình công chứng hợp đồng, giao dịch của Công chứng viên.
Tác giả: Đức Hoài